Toys R Us lộ diện máy tính bảng dành cho trẻ em 150$




Với tên gọi là Tabeo, máy tính bảng này có giá bán 150$, được trang bị màn hình 7-inch cảm ứng đa điểm và 50 ứng dụng dành cho trẻ em được cài sẵn như Angry Birds, Fruit Ninja, Alpha Tots và Discovery Kids Putterbugs. Tabeo cho phép phụ huynh giới hạn việc truy cập internet cho từng đứa trẻ (Tabeo chỉ cho phép truy cập vào ngày hoặc giờ xác định, nếu trẻ vượt rào để truy cập thì thiết bị sẽ gửi e-mail thông báo cho phụ huynh). Phụ huynh có thể thiết lập riêng cho 8 user, mỗi user sẽ được truy cập tương ứng với nội dung khác nhau được thiết lập trước. Bộ lọc của Tabeo block 27 danh mục nội dung tránh trẻ em truy cập và phụ huynh có thể thêm danh sách trang muốn block.

Sử dụng hệ điều hành Android với dung lượng 4GB, thiết bị sẽ được bán vào ngày 21/10 tại các cửa hàng của Toys R Us và website ToysRUs.com.

Theo lời của Phó chủ tịch Toys R Us thì Tabeo là kết quả thời gian hơn 1 năm trao đổi với các bậc phụ huynh và trẻ em để xác định các tính năng và chức năng thực sự cần trong một máy tính bảng dành cho trẻ em. Họ tự hào vì Tabeo đem lại sự thiết thực và sự kiểm soát linh hoạt cho phụ huynh, giúp bảo vệ trẻ khi lướt web, và họ rất sẵn lòng xây dựng Tableo App Store với những nội dung an toàn cho trẻ được chọn lọc bởi đội ngũ Toys R Us.

Và đây là thông số kỹ thuật của thiết bị: 


Tổng hợp từ: geekwire.com và sci-tech-today.com

vvv

THÚ ĐI BỘ - ĐỒ CHƠI GỖ CHUYỂN ĐỘNG


Thú đi bộ
Thú đi bộ là dòng đồ chơi sáng tạo dựa trên nguyên tắc vật lý cơ bản làm cho những con thú ngộ nghĩnh với màu sắc bắt mắt có thể bước đi trên mặt phẳng nghiêng mà không cần tới động cơ hay bất kì thứ gì khác.
 
Cách chơi:
Trong mỗi bộ trò chơi sẽ có 1 con thú và 2 miếng ghép tạo thánh 1 mặt phẳng nghiêng. Ráp 2 miếng ghép lại với nhau sau đó để con thú lên mặt phẳng nghiêng, con vật sẽ tự di chuyển thú vị.
Trò chơi thú đi bộ sẽ giúp các bé phát triển toàn diện và thích hợp cho các bé ở nhiều độ tuổi khác nhau:

Trẻ nhỏ sẽ học biết về hình dáng của các con vật quen thuộc và các con vật trong tự nhiên và cuộc sống như: chó, mèo, vịt, voi, tê giác….

Thỏ đi bộ - Chuột đi bộ - Voi đi bộ
Mỗi con vật có nhiều màu sắc sặc sỡ khác nhau sẽ giúp bé phát triển thị giác và tư duy hình tượng.

Bé từ 6 tuổi trở lên đã học để tìm tòi, khám phá cách thức hoạt động của những sự vật xung quanh, sẽ thật bổ ích và thú vị khi tự bé khám phá ra quy tắc hoạt động của trò chơi này.

Phát triển tư duy logic khi khám phá các nguyên tắc vật lý thông qua trò chơi.

Rùa đi bộ - Sư tử đi bộ - Cua đi bộ
Phát triển khả năng sáng tạo của con trẻ, sau khi khám phá ra tại sao con thú có thể di chuyển mà không cần máy móc, bạn hãy cùng bé tạo ra những trò chơi khác dựa trên nguyên lý đó.

Phát triển ngôn ngữ, tạo nên sự gần gũi trong gia đình giữa cha mẹ và con, thú đi bộ khơi gợi sự hứng thú tìm hiểu, bé sẽ đặt câu hỏi tại sao thú đi được? Thông qua việc cùng nhau tìm hiểu và giải thích trò chơi giúp phát triển khả năng giao tiếp và sự thân mật trong gia đình.

Nhím đi bộ - Gấu đi bộ - Lạc đà đi bộ
Có 30 loại con vật để bạn và bé lựa chọn thích hợp với sở thích của các bé, hoặc là bé có thể có 1 bộ sưu tập những con vật chuyển động này trong bộ sưu tập đồ chơi con vật xinh xắn của mình.

Gà đi bộ - Cừu đi bộ - Ốc sên đi bộ
Ngoài những con vật biết đi còn có những sản phẩm mang hình ảnh của những nhân vật đặt biệt đến với bé: ông Noel, Robot… giúp bé phát triển trí tưởng tượng, ngôn ngữ.

Robot đi bộ - Ông già Noel đánh đàn - Ô tô đi bộ
Thú đi bộ là một trò chơi lý thú cho các bé từ 1 tuổi trở lên. Sản phẩm được bán tại www.chodientu.vn/khonggiandochoi

vvv

TANGRAM VÀ NHỮNG ĐIỀU LÝ THÚ

Tangram có thể là một cái tên xa lạ với đa số người Việt Nam, nhưng khi nhìn thấy món đồ chơi này, sẽ rất nhiều người phải thốt lên: Ồ, thì ra đó là Tangram!!! Bởi nó chỉ là tên gọi chính thức của một loại đồ chơi xếp hình thông minh, đơn giản nhưng đầy sáng tạo, mà chúng ta vẫn gặp (và chơi) thường xuyên với nhiều tên gọi khác nhau: Bộ xếp hình đa năng, bộ lắp hình thông minh, mảnh ghép sáng tạo… hay thậm chí chẳng có tên gọi nào cả, chỉ là một hộp xếp hình mà thôi.
Tangram là gì?
Tangram là một món đồ chơi xếp hình cổ xưa có nguồn gốc từ Trung Quốc. Trong tiếng Trung Quốc, tangram có nghĩa là “7 mảnh ghép thông minh”, nó bao gồm 7 mảnh ghép (gọi là “tans”) có kích thước khác nhau với ba dạng hình học: 5 hình tam giác vuông cân, 1 hình vuông và 1 hình bình hành; xuất phát từ việc phân chia một hình vuông lớn ban đầu. Luật chơi rất đơn giản: sử dụng tất cả các mảnh ghép để tạo thành những hình ảnh sống động khác biệt, sao cho các cạnh của mỗi mảnh ghép không chồng lên nhau.
Tangram và con đường ra thế giới
Có nhiều tài liệu và ghi chép khác nhau cho việc tangram đã vượt ra khỏi biên giới Trung Quốc như thế nào, nhưng nhìn chung, tất cả đều thống nhất rằng, món đồ chơi thần kì này đã “xuất ngoại” lần đầu tiên trên các chuyến tàu buôn khoảng đầu thế kỉ 19. Năm 1815, M.Donnaldson, thuyền trưởng của con tàu Trader, nhân một chuyến hải hành tới Quảng Châu, Trung Quốc đã mang về nước Mỹ món đồ chơi này cùng với 2 cuốn sách viết về tangram bằng tiếng bản ngữ. Không lâu sau đó, nước Anh và các nước Châu Âu khác biết đến sự tồn tại của một món đồ chơi chỉ gồm những mảnh ghép đơn giản nhưng không kém phần đặc biệt. Ngay lập tức, tangram đã tạo nên một cơn sốt và trào lưu mới ở những nơi này, cùng với sự ra đời của nhiều cuốn sách về tangram và cách chơi: The eighth book of tan (xuất bản tại Mỹ), The fashionable Chinese Puzzle, Key (xuất bản tại Anh). Mandarinen, Der nye chinesisre Saadespil (Đan Mạch)…
Một ý kiến thú vị cho rằng, sự phổ biến rộng rãi của tangram một phần đến từ lí do tôn giáo. Khỏang thời gian tangram bắt đầu xuất hiện tại Châu Âu là thời kì các nhà thờ Công giáo phát triển mạnh mẽ và có ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống của người dân, một lệnh cấm hết sức khắt khe với các hoạt động vui chơi giải trí trong những ngày nghỉ cuối tuần được ban hành; tuy nhiên lệnh cấm ấy dường như lại không chú ý đến các món đồ chơi ghép hình, giải đố. Và do đó, người ta chẳng còn lựa chọn nào khác để giải khuây trong những giờ rảnh rỗi ngoài tangram.
Tangram và các biến thể
Một tangram nguyên bản bao gồm 7 mảnh ghép xếp lại thành một hình vuông, tuy nhiên ngày nay, bạn có thể tìm thấy một tangram hình chữ nhật, hoặc vô số những biến thể khác của tangram: những mảnh ghép ban đầu được phân chia thêm thành những hình học nhỏ hơn. Số lượng mảnh ghép (tans) tăng lên, số lượng hình ghép được cũng theo đó mà tăng lên theo cấp số nhân, và trí tưởng tượng cũng như óc sáng tạo của con người là vô biên.
Bên cạnh đó, từ những hình tans ban đầu (hình tam giác cân, hình vuông và hình bình hành), người ta đã nghĩ ra thêm nhiều cách chia hình vuông thành 7 miếng ghép nhỏ với những hình dạng khác, càng làm cho sự hấp dẫn và phong phú của tangram không bao giờ kết thúc.
Paradox tangram
Paradox tangram (hay paradox) là tên gọi để chỉ một hiện tượng thú vị  trong tangram được phát hiện và nghiên cứu bởi Sam Loyd (Mỹ) và Ernst Dudney (Anh): 2 hình ghép có vẻ ngoài giống nhau, số lượng mảnh ghép vẫn là 7, nhưng ở một trong hai hình ghép lại thiếu đi 1 chi tiết so với hình ảnh còn lại.


Paradox Tangram
Hình trên mô tả 2 hình ghép thoạt nhìn có vẻ rất giống nhau, đây là mô hình paradox tangram rất nổi tiếng của Dudney, thường được gọi là mô hình hai nhà sư của Dudney (the monk paradox of Dudney). Tuy nhiên khi quan sát chi tiết hơn, dễ dàng nhận thấy mô hình nhà sư bên trái thiếu mất  phần “chân” so với mô hình đầy đủ bên phải. Mảnh ghép ấy đã “chạy” đi đâu mất rồi???
Thực ra, lời giải đơn giản như sau: Chỉ với sự thay đổi vị trí của các mảnh ghép tam giác vuông cân ở phần thân nhà sư, chúng ta đã có hai hình ảnh tưởng chừng như là tương đồng nhưng thực chất lại khác biệt, nhà sư với “bàn chân” đầy đủ có phần thân nhỏ hơn hẳn so với nhà sư kia.
Thời điểm khái niệm paradox được đưa ra, rất nhiều người đã tin vào một giả thuyết gọi là “mệnh đề khiếm khuyết” (“vanishing” proposition). Tuy nhiên, nguyên tắc chung của mọi vấn đề là tổng diện tích của mọi hình ảnh xếp từ một tangram đều không thay đổi, do đó, khi một phần diện tích bị “bốc hơi” mất, hãy đi tìm phần “dôi ra” ở những nơi khác.
Tangram kì thú
Sự hấp dẫn của tangram đến từ chính sự đơn giản của nó, 7 mảnh ghép có thể tạo nên hàng ngàn hình ảnh khác nhau. Tangram kích thích trí não của tất cả mọi người, từ trẻ em, người lớn cho đến các cụ già. Tangram là một bằng chứng sống động cho thấy trí tưởng tượng của con người có thế mở rộng đến vô biên.


Sáng tạo cùng Tangram

Với những lợi ích mà nó mang lại, tangram đã được đưa vào chương trình giảng dạy tại một số trường học trên thế giới, như một bài tập về toán học và sự sáng tạo của trẻ em.
Tự làm một tangram
Tangram được làm từ nhiều nguyên vật liệu khác nhau: phổ biến nhất là gỗ, tre, ngoài ra còn có nhựa, plastic, nhôm, thủy tinh và thậm chí là vỏ sò. Bạn hòan tòan có thế tự làm cho mình một tangram tại nhà, chỉ với những vật dụng dễ kiếm: bìa cứng, bút chì, thước kẻ và kéo.
Tự làm Tangram giấy
Cách làm rất đơn giản: áp dụng hình vẽ bên dưới với kích thước mỗi cạnh của hình vuông tùy theo ý thích của bạn, kẻ theo các đường nối màu xanh và cắt chúng ra, bạn đã có một tangram của riêng mình.


Phương Thảo (khonggiandochoi.vn)









vvv

Trẻ em có cần đồ chơi?

Mọi đứa trẻ đều thích đồ chơi. Các bé gái không thể rời mắt khỏi những con búp bê xinh đẹp trong những bộ váy lộng lẫy đang vẫy tay mời gọi chúng trên quầy trưng bày, các bé trai không thể dời bước ra khỏi những gian hàng rô bốt bắn tia chớp laze có thể tiêu diệt hàng trăm “quân địch”, và chẳng đứa trẻ nào từ chối cơ hội được bước vào khu vườn đồ chơi trong các hội chợ triển lãm. Cách đây vài chục năm, nếu bố mẹ chúng còn đang mải mê với những món đồ chơi tự làm lấy như diều, sáo, hay vật lộn nhau trên những cánh đồng sau mùa gặt, thì ngày nay, trẻ em có thể tự chọn cho mình từ hàng trăm món đồ chơi làm sẵn, được phân loại thành những cái tên mĩ miều: đồ chơi giải trí, đồ chơi giáo dục, đồ chơi sáng tạo, đồ chơi lắp ráp…

Đồ chơi con giống thủy tinh  [Ảnh sưu tầm]

Nhưng, trẻ em có thực sự cần đồ chơi?

Câu trả lời dường như quá rõ ràng cho một câu hỏi có phần “ngớ ngẩn”, rõ ràng như ngành công nghiệp đồ chơi vẫn đang phát triển ngày một mạnh mẽ, và số cửa hàng phục vụ các “thượng đế nhí” vẫn đang mọc lên như nấm sau mưa. Tuy vậy, vẫn có một bộ phận không nhỏ các bậc phụ huynh cho rằng: Trẻ em thực sự không cần đồ chơi. Trí tưởng tượng phong phú là một món quà vô giá mà bất kì đứa trẻ nào cũng có. Hãy thử hình dung lại bạn lúc còn bé, bạn đã từng suy nghĩ như thế nào về thế giới xung quanh, và những ước mơ trở thành anh hùng chiến đấu với quái vật, làm một nàng công chúa trong tòa lâu đài xinh đẹp, hay đơn giản hơn, chỉ là ngồi nhìn những đám mây lững thững trôi mà vẽ ra trong đầu vô số hình thù kì lạ. Một đứa trẻ có thể chơi hàng giờ với những món đồ đơn giản nhất như một vài cành cây, khúc gỗ mà chúng nhặt được trong sân nhà, bởi sự thực là chúng đang chơi với chính trí tưởng tượng của mình, chứ không phải những vật dụng kia. Bao nhiêu bậc cha mẹ đã phải thốt lên ngao ngán khi nhìn thấy những món đồ chơi đắt tiền của con mình nằm dưới gầm giường hay bị ném vào tường không thương tiếc, để rồi sau đó nhìn thấy đứa trẻ mân mê chiếc hộp giấy rỗng một cách thích thú?

Đồ chơi ngoài trời cùng bé vui chơi  [Ảnh sưu tầm]

Một số ý kiến khắt khe hơn cho rằng, với những món đồ chơi công nghiệp bày bán tràn lan hiện nay có thể làm mất đi tính tò mò, sự ham thích tìm hiểu thế giới xung quanh của những đứa trẻ. Không hiếm những gia đình mua cho con một món đồ chơi hoặc để mặc con chăm chú vào những cỗ xe hiện đại điều khiển từ xa, chỉ để tránh những câu hỏi liên tục: Tại sao thế này và tại sao thế kia? Bản chất của trẻ em là học hỏi từ thế giới xung quanh, từ một đứa bé sơ sinh học cách lắng nghe và phân biệt giọng của bố mẹ, đến một đứa trẻ đang tập ngồi, tập lăn học từ đôi bàn tay của chúng bằng cách cầm nắm và cảm nhận mọi vật, cho tới khi đứa trẻ ấy đủ tuổi để thắc mắc: Mẹ ơi, tại sao…?, tất cả đều đang học mỗi ngày những điều mới mẻ, để có thể lớn lên. Và điều này không cần đến những món đồ chơi đắt tiền, nó có thể diễn ra một cách tự nhiên trong những buổi dạo chơi trong công viên cùng gia đình hay ở một bãi biển với những chiếc xô và xẻng xúc cát.

Như vậy, trẻ em thực sự không cần đồ chơi?

Các nhà sản xuất đồ chơi trẻ em sẽ đưa ra vô vàn những luận điểm để bảo vệ ngành công nghiệp mà họ đang đầu tư tất cả tiền của và công sức. Để trẻ em phát huy tính sáng tạo, chúng tôi có lọai đồ chơi sáng tạo, chúng tôi có Lego, muốn trẻ em học những điều mới từ thiên nhiên, khoa học, chúng tôi có những bảng màu sặc sỡ hình muông thú, với những hình vẽ ngộ nghĩnh mô tả đời sống của chúng, để dạy trẻ tính kiên nhẫn, chúng tôi có khối rubik và những khối gỗ ghép hình phức tạp, và trẻ muốn làm kĩ sư lắp ráp, chúng tôi cung cấp cho bạn những mô hình nhà cửa, máy bay thu nhỏ để trẻ mặc sức lắp ghép.
Tò he - Một trong số ít đồ chơi gắn liền với nét văn hóa dân tộc [Ảnh sưu tầm]



Chúng ta không thể phủ nhận sự tồn tại của nền công nghiệp hàng trăm năm tuổi này, và lại càng không thể phủ nhận một sự thật rằng, rất nhiều những món đồ bạn dùng để chơi hàng ngày với con mình và dạy chúng kiến thức, đều là sản phẩm của ngành công nghịêp đồ chơi, ví dụ như những trái banh nỉ, khối gỗ xếp hình, bảng màu, bảng chữ và số… Đồ chơi đã xuất hiện từ hàng ngàn năm nay, gắn liền với lịch sử phát triển của loài người, từ những hòn đá sơ khai, những ống tre ghép hay những mẩu da thú, từ những chiếc sáo hay các con rối gỗ, đến chiếc lồng đèn trung thu, tất cả đều được gọi chung là “đồ chơi”, và đều nhằm một mục đích mang lại niềm vui cho những đứa trẻ. Tóm lại, cho dù những người làm cha làm mẹ tiếp tục tranh luận nảy lửa về vấn đề giáo dục trẻ em theo cách tự nhiên hay khoa học, cuối cùng thì người chiến thắng vẫn là những đứa trẻ, và không cần phải nói nhiều, trẻ em, tự hành động của chúng đã tuyên bố rất chắc chắn rằng: Trẻ em luôn cần có “đồ chơi”, nhưng “đồ chơi” theo một định nghĩa như thế nào, đó lại là chuyện của người lớn.

Phương Thảo - toySpace

vvv

Phân chia quyền lợi trong Startup

Định chia sẻ vấn đề này lâu rồi, nhưng một phần chưa có thời gian, một phần vì giờ mới xây dựng xong được cách thức để phân chia. Nhân dịp một bạn trong Launch đặt câu hỏi: "Khi khởi nghiệp cùng nhau, lợi ích giữa các sáng lập viên sẽ được phân chia như thế nào?" nên viết bài này hy vọng sẽ trả lời được một phần câu hỏi trên.

Vấn đề quyền lợi của các thành viên khi tham gia startup là một vấn đề quan trọng cần giải quyết vì nó không chỉ liên quan tới hiện tại mà còn ảnh hưởng tới tương lai của startup. Nếu làm tốt, thống nhất và minh bạch từ đầu thì sẽ tránh được những rủi ro dẫn đến mâu thuẫn giữa các thành viên sau này. Có một thực tế là con người ta có thể cùng nhau đi chung trong gian khó để hướng tới tương lai, nhưng khi có của ăn của để lại sinh ra mâu thuẫn, đường ai nấy đi hoặc bằng mặt mà không bằng lòng.

Với những tiêu chí về sự công bằng (giữa các thành viên sáng lập, nhà đầu tư, những thành viên có vai trò chủ chốt tham gia sau này), minh bạch, hợp lý để xây dựng cách thức phân chia quyền lợi. Dự án "KHÔNG GIAN ĐỒ CHƠI" đã áp dụng phương pháp như sau:

1. Chia cổ phần thành hai loại: cổ phần sáng lập (tỷ lệ S%) và cổ phần vốn (100% - S)


Tỷ lệ hai loại cổ phần các bạn có thể lựa chọn tùy theo ngành nghề cho phù hợp, hoặc có thể theo thỏa thuận giữa các thành viên. Đối với cổ phần sáng lập thì chỉ có giá trị nếu thành viên đạt được một thời gian cam kết qui định hoặc kết quả công việc nhất định.

2. Cổ phần sáng lập sẽ được chia cho các thành viên sáng lập dựa vào một hệ số (tạm gọi là hệ số đóng góp), hệ số này được tính theo cơ sở của một ma trận các tiêu chí như sau:


Trong hình bảng trên mình chia ra 3 đối tượng sáng lập bao gồm:
  • Founder: khởi tạo dự án, đóng góp tài chính, không có quyền rút khỏi dự án, có quyền rút thành viên ra khỏi startup.
  • Keyperson: có vai trò công việc chủ chốt trong dự án, không yêu cầu đóng góp tài chính, có quyền rút khỏi dự án. (tham gia từ đầu của dự án, hoặc sau khi dự án ổn đinh đối với các vị trí như CEO, CFO, CCO, ...)
  • Cổ đông tài chính ban đầu: đóng góp tài chính, có quyền rút khỏi dự án kèm theo một cam kết về lộ trình rút vốn khỏi dự án.
Phương pháp trên sẽ giúp các bạn tính được cổ phần ban đầu của từng thành viên sẽ nắm giữ khi tham gia startup. Sau một thời gian hoạt động thì con số cổ phần sẽ thay đổi tùy vào năng lực, vai trò và hiệu quả công việc của từng thành viên, hoặc do có thêm người đầu tư, nhân tài mới tham gia dự án :D,.... Thời gian đánh giá lại có thể là 6 tháng hoặc 1 năm tùy vào tình hình của startup.

Hy vọng những điều trên sẽ giúp ích được cho các bạn làm startup, và mong muốn các bạn thảo luận và chia sẻ thêm về chủ đề này!

vvv

Thất bại

Tối qua ngồi nói chuyện với một bạn, bạn có kế hoach đi làm và startup, sau 2 năm nếu thất bại bạn sẽ đi học MBA vì mặc dù bạn là dân kỹ thuật nhưng rất yêu thích kinh doanh. Nghe bạn nói mình thấy hình ảnh y chang mình hồi là một sinh viên chuẩn bị ra trường. Mình thuộc style người thường có suy nghĩ hơi khác với những người bình thường. Bạn bè mình có thể lo lắng để kiếm việc làm, hoặc những bạn năng động hơn đã lo kiếm việc khi còn chưa tốt nghiệp. Mình thì nghĩ sau khi trả một đống nợ (tín chỉ) để tốt nghiệp mình sẽ không đi kiếm việc mà bắt đầu làm những dự án mình ấp ủ. Đã có lúc mình nghĩ nếu đang là năm 2 chắc mình đã bỏ học, lý do không bỏ học lúc đó là chỉ còn một chút nữa là có được cái bằng để thực hiện giấc mơ MBA. Khi đó vẽ ra một kế hoạch là startup một dự án về giáo dục, nếu sau 2 năm mà thất bại thì sẽ đi học MBA. Thực ra là đã chuẩn bị viết plan khi đang ngồi ghế nhà trường nhưng bị gián đoạn bởi đồ án thực tập và luận văn tốt nghiệp.

Trong thời gian chờ lấy bằng mình về quê, ai cũng hỏi sẽ làm ở đâu? Chắc các công ty họ mời về chứ không phải đi xin việc :D, chỉ biết cười. Mình chỉ nói với bố mẹ và một số cô, mọi người đều lo lắng và khuyên can nên đi làm cho người ta trước, vì khi đó có vài cơ hội làm trong ngành dầu khí. Do độc lập từ nhỏ nên mình dễ vượt qua được áp lực đó, trở lại thành phố với 2000$ mượn của dì. Lúc đó nghĩ đơn giản rằng sẽ tập trung mô tả ý tưởng và viết một kế hoạch khả thi để kiếm đầu tư từ các nhà đầu tư mạo hiểm. Vì lúc đó nghĩ dự án của mình sẽ có cơ hội lớn được đầu từ vì quỹ đó đang tìm kiếm các dự án giáo dục và mình có một chút quan hệ với một quỹ đầu tư. Mình startup một mình vì nghĩ rằng để kiếm được người làm chung hoặc kiếm được đầu tư ít nhất cũng phải có một plan hoàn thiện mới đi nói chuyện được. Mình mất nhiều thời gian vào plan mà thời gian cứ trôi và tiền thì cứ hết dần. Đúng lúc đó thì tai bay vạ gió từ đâu đến, tự nhiên bị đau ruột thừa phải mổ cắt ruột thừa. May nhờ em Google và một số hiểu biết về y học nên thoát chết. Sau khi khỏe lại gánh một đống nợ nên phải gác lại startup và đi làm. Lần này một lựa chọn cũng hơi khác người khi từ chối làm ở một xí nghiệp dầu khí để làm cho một công ty nhỏ. Lý do của mình là cty đó gần như là một startup, ở đó mình sẽ có nhiều trọng trách và kinh nghiệm.

Hiện tại đã quá cột mốc 2 năm và MBA vẫn là một mong ước của mình, lý do mà mình chưa đi học là định nghĩa về thất bại của mình đã khác. Trước kia nghĩ thất bại là thua lỗ là phá sản, là hết tiền, là dự án không thành hiện thực,... Nhưng bây giờ với mình thất bại chính là từ bỏ, từ bỏ đam mê, từ bỏ ước mơ.

vvv

Startup hãy làm những điều giản dị

Tình cờ đọc được đâu đó có ai nói rằng: "Sự hoành tráng làm cho người ta thán phục, trầm trồ nhưng sự giản dị chân thành mới đi vào con tim".

Liên tưởng tới startup và đại gia, một sẽ làm được sự hoành tráng bằng nguồn lực của họ, một bên chỉ có thể làm những điều nhỏ, những điều giản dị. Nói về marketing, mình nghĩ đơn giản rằng mục đích cuối cùng của nó là lấy được trái tim của khách hàng. Đối với những ông lớn, đại gia có thể dễ dàng làm những chiến dịch hoành tráng để giành thị phần, tăng doanh thu, vân vân và vân vân .... Sự quan tâm của họ chính là những con số nhiều hơn là chiều sâu. Đối với startup, nguồn lực hạn chế và khó trăm bề nên sẽ có lợi thế đi vào chiều sâu và làm những điều "giản dị" để giành lấy trái tim khách hàng.

vvv