TANGRAM VÀ NHỮNG ĐIỀU LÝ THÚ

Tangram có thể là một cái tên xa lạ với đa số người Việt Nam, nhưng khi nhìn thấy món đồ chơi này, sẽ rất nhiều người phải thốt lên: Ồ, thì ra đó là Tangram!!! Bởi nó chỉ là tên gọi chính thức của một loại đồ chơi xếp hình thông minh, đơn giản nhưng đầy sáng tạo, mà chúng ta vẫn gặp (và chơi) thường xuyên với nhiều tên gọi khác nhau: Bộ xếp hình đa năng, bộ lắp hình thông minh, mảnh ghép sáng tạo… hay thậm chí chẳng có tên gọi nào cả, chỉ là một hộp xếp hình mà thôi.
Tangram là gì?
Tangram là một món đồ chơi xếp hình cổ xưa có nguồn gốc từ Trung Quốc. Trong tiếng Trung Quốc, tangram có nghĩa là “7 mảnh ghép thông minh”, nó bao gồm 7 mảnh ghép (gọi là “tans”) có kích thước khác nhau với ba dạng hình học: 5 hình tam giác vuông cân, 1 hình vuông và 1 hình bình hành; xuất phát từ việc phân chia một hình vuông lớn ban đầu. Luật chơi rất đơn giản: sử dụng tất cả các mảnh ghép để tạo thành những hình ảnh sống động khác biệt, sao cho các cạnh của mỗi mảnh ghép không chồng lên nhau.
Tangram và con đường ra thế giới
Có nhiều tài liệu và ghi chép khác nhau cho việc tangram đã vượt ra khỏi biên giới Trung Quốc như thế nào, nhưng nhìn chung, tất cả đều thống nhất rằng, món đồ chơi thần kì này đã “xuất ngoại” lần đầu tiên trên các chuyến tàu buôn khoảng đầu thế kỉ 19. Năm 1815, M.Donnaldson, thuyền trưởng của con tàu Trader, nhân một chuyến hải hành tới Quảng Châu, Trung Quốc đã mang về nước Mỹ món đồ chơi này cùng với 2 cuốn sách viết về tangram bằng tiếng bản ngữ. Không lâu sau đó, nước Anh và các nước Châu Âu khác biết đến sự tồn tại của một món đồ chơi chỉ gồm những mảnh ghép đơn giản nhưng không kém phần đặc biệt. Ngay lập tức, tangram đã tạo nên một cơn sốt và trào lưu mới ở những nơi này, cùng với sự ra đời của nhiều cuốn sách về tangram và cách chơi: The eighth book of tan (xuất bản tại Mỹ), The fashionable Chinese Puzzle, Key (xuất bản tại Anh). Mandarinen, Der nye chinesisre Saadespil (Đan Mạch)…
Một ý kiến thú vị cho rằng, sự phổ biến rộng rãi của tangram một phần đến từ lí do tôn giáo. Khỏang thời gian tangram bắt đầu xuất hiện tại Châu Âu là thời kì các nhà thờ Công giáo phát triển mạnh mẽ và có ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống của người dân, một lệnh cấm hết sức khắt khe với các hoạt động vui chơi giải trí trong những ngày nghỉ cuối tuần được ban hành; tuy nhiên lệnh cấm ấy dường như lại không chú ý đến các món đồ chơi ghép hình, giải đố. Và do đó, người ta chẳng còn lựa chọn nào khác để giải khuây trong những giờ rảnh rỗi ngoài tangram.
Tangram và các biến thể
Một tangram nguyên bản bao gồm 7 mảnh ghép xếp lại thành một hình vuông, tuy nhiên ngày nay, bạn có thể tìm thấy một tangram hình chữ nhật, hoặc vô số những biến thể khác của tangram: những mảnh ghép ban đầu được phân chia thêm thành những hình học nhỏ hơn. Số lượng mảnh ghép (tans) tăng lên, số lượng hình ghép được cũng theo đó mà tăng lên theo cấp số nhân, và trí tưởng tượng cũng như óc sáng tạo của con người là vô biên.
Bên cạnh đó, từ những hình tans ban đầu (hình tam giác cân, hình vuông và hình bình hành), người ta đã nghĩ ra thêm nhiều cách chia hình vuông thành 7 miếng ghép nhỏ với những hình dạng khác, càng làm cho sự hấp dẫn và phong phú của tangram không bao giờ kết thúc.
Paradox tangram
Paradox tangram (hay paradox) là tên gọi để chỉ một hiện tượng thú vị  trong tangram được phát hiện và nghiên cứu bởi Sam Loyd (Mỹ) và Ernst Dudney (Anh): 2 hình ghép có vẻ ngoài giống nhau, số lượng mảnh ghép vẫn là 7, nhưng ở một trong hai hình ghép lại thiếu đi 1 chi tiết so với hình ảnh còn lại.


Paradox Tangram
Hình trên mô tả 2 hình ghép thoạt nhìn có vẻ rất giống nhau, đây là mô hình paradox tangram rất nổi tiếng của Dudney, thường được gọi là mô hình hai nhà sư của Dudney (the monk paradox of Dudney). Tuy nhiên khi quan sát chi tiết hơn, dễ dàng nhận thấy mô hình nhà sư bên trái thiếu mất  phần “chân” so với mô hình đầy đủ bên phải. Mảnh ghép ấy đã “chạy” đi đâu mất rồi???
Thực ra, lời giải đơn giản như sau: Chỉ với sự thay đổi vị trí của các mảnh ghép tam giác vuông cân ở phần thân nhà sư, chúng ta đã có hai hình ảnh tưởng chừng như là tương đồng nhưng thực chất lại khác biệt, nhà sư với “bàn chân” đầy đủ có phần thân nhỏ hơn hẳn so với nhà sư kia.
Thời điểm khái niệm paradox được đưa ra, rất nhiều người đã tin vào một giả thuyết gọi là “mệnh đề khiếm khuyết” (“vanishing” proposition). Tuy nhiên, nguyên tắc chung của mọi vấn đề là tổng diện tích của mọi hình ảnh xếp từ một tangram đều không thay đổi, do đó, khi một phần diện tích bị “bốc hơi” mất, hãy đi tìm phần “dôi ra” ở những nơi khác.
Tangram kì thú
Sự hấp dẫn của tangram đến từ chính sự đơn giản của nó, 7 mảnh ghép có thể tạo nên hàng ngàn hình ảnh khác nhau. Tangram kích thích trí não của tất cả mọi người, từ trẻ em, người lớn cho đến các cụ già. Tangram là một bằng chứng sống động cho thấy trí tưởng tượng của con người có thế mở rộng đến vô biên.


Sáng tạo cùng Tangram

Với những lợi ích mà nó mang lại, tangram đã được đưa vào chương trình giảng dạy tại một số trường học trên thế giới, như một bài tập về toán học và sự sáng tạo của trẻ em.
Tự làm một tangram
Tangram được làm từ nhiều nguyên vật liệu khác nhau: phổ biến nhất là gỗ, tre, ngoài ra còn có nhựa, plastic, nhôm, thủy tinh và thậm chí là vỏ sò. Bạn hòan tòan có thế tự làm cho mình một tangram tại nhà, chỉ với những vật dụng dễ kiếm: bìa cứng, bút chì, thước kẻ và kéo.
Tự làm Tangram giấy
Cách làm rất đơn giản: áp dụng hình vẽ bên dưới với kích thước mỗi cạnh của hình vuông tùy theo ý thích của bạn, kẻ theo các đường nối màu xanh và cắt chúng ra, bạn đã có một tangram của riêng mình.


Phương Thảo (khonggiandochoi.vn)









vvv