Trẻ em có cần đồ chơi?

Mọi đứa trẻ đều thích đồ chơi. Các bé gái không thể rời mắt khỏi những con búp bê xinh đẹp trong những bộ váy lộng lẫy đang vẫy tay mời gọi chúng trên quầy trưng bày, các bé trai không thể dời bước ra khỏi những gian hàng rô bốt bắn tia chớp laze có thể tiêu diệt hàng trăm “quân địch”, và chẳng đứa trẻ nào từ chối cơ hội được bước vào khu vườn đồ chơi trong các hội chợ triển lãm. Cách đây vài chục năm, nếu bố mẹ chúng còn đang mải mê với những món đồ chơi tự làm lấy như diều, sáo, hay vật lộn nhau trên những cánh đồng sau mùa gặt, thì ngày nay, trẻ em có thể tự chọn cho mình từ hàng trăm món đồ chơi làm sẵn, được phân loại thành những cái tên mĩ miều: đồ chơi giải trí, đồ chơi giáo dục, đồ chơi sáng tạo, đồ chơi lắp ráp…

Đồ chơi con giống thủy tinh  [Ảnh sưu tầm]

Nhưng, trẻ em có thực sự cần đồ chơi?

Câu trả lời dường như quá rõ ràng cho một câu hỏi có phần “ngớ ngẩn”, rõ ràng như ngành công nghiệp đồ chơi vẫn đang phát triển ngày một mạnh mẽ, và số cửa hàng phục vụ các “thượng đế nhí” vẫn đang mọc lên như nấm sau mưa. Tuy vậy, vẫn có một bộ phận không nhỏ các bậc phụ huynh cho rằng: Trẻ em thực sự không cần đồ chơi. Trí tưởng tượng phong phú là một món quà vô giá mà bất kì đứa trẻ nào cũng có. Hãy thử hình dung lại bạn lúc còn bé, bạn đã từng suy nghĩ như thế nào về thế giới xung quanh, và những ước mơ trở thành anh hùng chiến đấu với quái vật, làm một nàng công chúa trong tòa lâu đài xinh đẹp, hay đơn giản hơn, chỉ là ngồi nhìn những đám mây lững thững trôi mà vẽ ra trong đầu vô số hình thù kì lạ. Một đứa trẻ có thể chơi hàng giờ với những món đồ đơn giản nhất như một vài cành cây, khúc gỗ mà chúng nhặt được trong sân nhà, bởi sự thực là chúng đang chơi với chính trí tưởng tượng của mình, chứ không phải những vật dụng kia. Bao nhiêu bậc cha mẹ đã phải thốt lên ngao ngán khi nhìn thấy những món đồ chơi đắt tiền của con mình nằm dưới gầm giường hay bị ném vào tường không thương tiếc, để rồi sau đó nhìn thấy đứa trẻ mân mê chiếc hộp giấy rỗng một cách thích thú?

Đồ chơi ngoài trời cùng bé vui chơi  [Ảnh sưu tầm]

Một số ý kiến khắt khe hơn cho rằng, với những món đồ chơi công nghiệp bày bán tràn lan hiện nay có thể làm mất đi tính tò mò, sự ham thích tìm hiểu thế giới xung quanh của những đứa trẻ. Không hiếm những gia đình mua cho con một món đồ chơi hoặc để mặc con chăm chú vào những cỗ xe hiện đại điều khiển từ xa, chỉ để tránh những câu hỏi liên tục: Tại sao thế này và tại sao thế kia? Bản chất của trẻ em là học hỏi từ thế giới xung quanh, từ một đứa bé sơ sinh học cách lắng nghe và phân biệt giọng của bố mẹ, đến một đứa trẻ đang tập ngồi, tập lăn học từ đôi bàn tay của chúng bằng cách cầm nắm và cảm nhận mọi vật, cho tới khi đứa trẻ ấy đủ tuổi để thắc mắc: Mẹ ơi, tại sao…?, tất cả đều đang học mỗi ngày những điều mới mẻ, để có thể lớn lên. Và điều này không cần đến những món đồ chơi đắt tiền, nó có thể diễn ra một cách tự nhiên trong những buổi dạo chơi trong công viên cùng gia đình hay ở một bãi biển với những chiếc xô và xẻng xúc cát.

Như vậy, trẻ em thực sự không cần đồ chơi?

Các nhà sản xuất đồ chơi trẻ em sẽ đưa ra vô vàn những luận điểm để bảo vệ ngành công nghiệp mà họ đang đầu tư tất cả tiền của và công sức. Để trẻ em phát huy tính sáng tạo, chúng tôi có lọai đồ chơi sáng tạo, chúng tôi có Lego, muốn trẻ em học những điều mới từ thiên nhiên, khoa học, chúng tôi có những bảng màu sặc sỡ hình muông thú, với những hình vẽ ngộ nghĩnh mô tả đời sống của chúng, để dạy trẻ tính kiên nhẫn, chúng tôi có khối rubik và những khối gỗ ghép hình phức tạp, và trẻ muốn làm kĩ sư lắp ráp, chúng tôi cung cấp cho bạn những mô hình nhà cửa, máy bay thu nhỏ để trẻ mặc sức lắp ghép.
Tò he - Một trong số ít đồ chơi gắn liền với nét văn hóa dân tộc [Ảnh sưu tầm]



Chúng ta không thể phủ nhận sự tồn tại của nền công nghiệp hàng trăm năm tuổi này, và lại càng không thể phủ nhận một sự thật rằng, rất nhiều những món đồ bạn dùng để chơi hàng ngày với con mình và dạy chúng kiến thức, đều là sản phẩm của ngành công nghịêp đồ chơi, ví dụ như những trái banh nỉ, khối gỗ xếp hình, bảng màu, bảng chữ và số… Đồ chơi đã xuất hiện từ hàng ngàn năm nay, gắn liền với lịch sử phát triển của loài người, từ những hòn đá sơ khai, những ống tre ghép hay những mẩu da thú, từ những chiếc sáo hay các con rối gỗ, đến chiếc lồng đèn trung thu, tất cả đều được gọi chung là “đồ chơi”, và đều nhằm một mục đích mang lại niềm vui cho những đứa trẻ. Tóm lại, cho dù những người làm cha làm mẹ tiếp tục tranh luận nảy lửa về vấn đề giáo dục trẻ em theo cách tự nhiên hay khoa học, cuối cùng thì người chiến thắng vẫn là những đứa trẻ, và không cần phải nói nhiều, trẻ em, tự hành động của chúng đã tuyên bố rất chắc chắn rằng: Trẻ em luôn cần có “đồ chơi”, nhưng “đồ chơi” theo một định nghĩa như thế nào, đó lại là chuyện của người lớn.

Phương Thảo - toySpace

vvv